Kinh điển, Nghi quỹ

KINH CHUẨN ĐỀ BỔN TÔN – QUYỂN III, PHẨM TÀM QUÝ THỨ SÁU

0 Comments 25 October 2011

KINH CHUẨN ĐỀ BỔN TÔN

QUYỂN III

PHẨM TÀM QUÝ THỨ SÁU 

Khi Phật Mẫu Chuẩn Đề thuyết xong lời kệ pháp, vua Ô-Nẫu-Vương thâm tâm bổng nhẹ nhàng phát sanh thiện cảm, hối hận ăn năng tội lỗi đã gây ra, bèn qùy xuống trước Phật mà bạch rằng :

- Ngưỡng mong đấng Đại Bi Cứu Thế! Cho tôi được sám rửa lỗi lầm. Tội lỗi của tôi rất nặng, xin đấng Đại Hùng Thế Tôn cứu vớt linh hồn tôi ra khỏi sự đau khổ đang dày vò trong lương tâm tôi không phút giây ngừng nghĩ, ví như cá đã cắn câu.  Nay ác tâm của tôi vẫy đầy liệu có thể sám hối được chăng? Kính mong Phật từ bi chỉ dạy nhũng phương pháp lành cho tôi được giải thoát.

Bấy giờ Phật Mẫu Chuẩn Đề đưa ánh mắt diệu hiền nhìn vua Ô-Nẫu-Vương, rồi phóng một đạo hào quang như mũi kim phót qua đầu của vua rồi thu lại nơi con mắt giữa nhanh chóng.  Phật quan sát căn cơ thuở quá khứ của đức vua rồi mở lời dạy rằng :

- Này Đại Vương! Người chớ nên bi quan quá lắm! Trên thế gian này không ai tránh khỏi những điều khổ nảo ác trược.  Lúc làm anh hùng thời ấy mình oai phong, lúc bị nhục nhã thời thấy mình thua trận, lúc lương tâm cắn rức thời thấy mình cần sự sám hối.  Đại Vương nên biết! Tội lỗi sanh ra ít hay nhiều đều do bản thân mình gây ra, muốn hết tội lỗi cũng do mình biết quay đầu sám hối, còn việc tội nặng hay nhẹ là do sức chí tâm cần cầu sám hối tức thời mau hết nghiệp, nếu không chí tâm sám hối thì nghiệp ác vẫn đeo mang hoài. Nơi dương thế người đời còn tha thứ cho kẻ biết ăn năn, huống chi ở trong giáo pháp của Như Lai lại không có chỗ vun chứa Đại Vương hay sao? Đại Vương nên cởi bỏ những điều ô nhục càng sớm càng tốt.  HIện tại Đại Vương có dịp tốt cho bản thân là cần cầu đạo pháp. Tại sao Đại Vương lo sợ như thế? Chính lúc này Đại Vương cần phải bình tỉnh nhận xét rõ cái tội cái phước để tu thân sửa tâm.  Ngai vàng của Đại Vương từ xưa đến nay tô điểm bằng cái gì, mà hôm nay Đại Vương phải ăn năn ?  Đại Vương gặp được Như Lai tại sao muốn sám hối và từ bỏ?  Đại Vương  hãy quyết định cho mình một hướng đi thời Đại Vương sẽ thành công.

- Này Đại Vương nên biết! Kẻ phạm tội không cần người xử tội, vì kẻ ấy đã có lương tâm phân xử rồi.  Còn người ăn năn tội lỗi tu hành thời trước sau đều không xử được.  Ví như Đại Vương phạm tội trước triều thần bá quan văn võ, lúc ấy chẳng ai dám phân xử Đại Vương.  Người sám hối ăn năn tu hành bỏ ác hành thiện cũng lại như thế. Này Đại Vương! Người biết tu tâm sửa tánh không luận là quan quân vua chúa, dân giả, cùng đinh v.v…  Nếu người ấy có tâm quay đầu hướng thiện dày công đức tập thân tâm thời không có gì quí báu hơn, kẻ có một sức mạnh vạn năng thắng Phục được ngoại cảnh và nội tâm tiêu trừ tội lỗi.  Kẻ đó rất nên tôn trọng là bực thầy của chúng sanh vậy.

-  Này Đại Vương! Thần chú Chuẩn-Đề vì diệu pháp môn Đà Ra Ni này đã từng độ cho bảy mươi ức cu chi đức Phật và vô lượng chúng sanh trong pháp giới phát tâm vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, năng trừ tiêu ba nghiệp tham sân si, mạn nghi tà kiến.  Thần chú Chuẩn-Đề có một sức mạnh vô bờ bến làm cho mọi người ưa vui tu hành, dễ diệt nghiệp ác không thối chuyển, chúng sanh hay tôn thờ lễ kính cúng dường ngợi khen tôn trọng tán thán.  Hôm nay Đại Vương rất được hân hạnh tắm mình trong biển huệ Phật pháp mênh mông. Vậy Đại Vương còn chần chờ gì nữa!? Bồ-Tát Đại Luân Kim Cang muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng :

1. Thế Tôn đức trí diệu

Bực thầy rất khả kính

Thường ở nơi đại định

Vắng lặng nhẹ rỗng không

Ác nghiệp đều dập tắt

Nhờ Mật-Hạnh thần chú

Chuẩn-Đề diệu Bổn-Tôn

Oai đức vô cùng cực

Món pháp môn Tối Thắng

Quí báu sức dường biên

Vào cõi ác thị hiện

Tam-Muội Đại Hỏa Đầu

Tam-Muội Đức Ly Cẩu

Tam-Muội Mật Liên Trì

Tam-Muội Du Già Tạng

Tam-Muội Thần Bí Môn

Tam-Muội Đa La Ma

Tam-Muội Sơn Hồng Đảnh

Tam-Muội Thần Biến Tướng

Tam-Muội Dõng Chiết La

Tam-Muội Mật Diệu Ý

Tam-Muội Đại Hỏa Châu

Tam-Muội Chiết Bạt Tướng

Tam-Muội Đại Du Hý

Tam-Muội Định Thần Môn

Tam-Muội Như Lai Tạng

Tam-Muội Đại Tổng Trì

Các Tam-Muội như thế

Rất khó hiếm gặp được

2. Như trong cõi nhân gian

Thần châu không thể thấy

Như trong cõi pháp giới

Phật pháp khó gặp gở

Các tam muội như thế

Tính cùng cả hư không

Đều có thể dán bít

Chúng sanh quá mê mờ

Vô tâm chẳng thấy được

Chỉ tạo tội thêm tội

Sanh ác lòng hung dữ

Có thần chú Chuẩn-Đề

Năng hàng phục Ma oán

Xua tan bóng vô minh

Giúp người mê chợt tỉnh

Thấy rõ được chơn lý

Trong hằng sa ức kiếp

Dù ăn năn sám hối

Mà tội ác chẳng dứt

Hay cần khổ dày vò

Xác thân bị nhừ nát

Mà tội báo chằng dứt

Hoặc phải chịu ngục hình

Nơi A-Tỳ Vô-Gián

Mà tội báo chẳng dứt

Nếu chuyên tâm trì niệm

Chuẩn-Đề đại thần chú

Tội đây mới chấm dứt

3. Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề

Khiến các cõi pháp giới

Chúng minh lời nguyện cầu

Ba loài cùng sáu cõi

Quy-y tròn một niệm

Món Mật-Pháp thanh tịnh

Chú đại võ thần biến

Xua đuổi bóng vô minh

Phá tà, chơn diệt ác

Thành tựu huệ vô thượng

Hữu hình hoặc vô hình

Thảy đều được lợi ích

Do âm thanh thần chú

Lướt qua lòng vũ trụ

Rung động Phật quốc độ

Chúng sanh mười phương cõi

Nghe được sanh cội phúc

Tụng chú lòng an vui

Tinh thần thường minh mẫn

Biết được việc quá khứ

4. Chuẩn-Đề chơn mật chú

Niệm niệm hằng chiêm ngưỡng

Phát tâm đại quy-y

Chuyên hành Bồ-Tát đạo

Thệ nguyện lòng chẳng dối

Tu tập các chánh định

Oai nghi khéo thay đổi

Luống qua chẳng dứt mất

5. Phật kinh hành chốn kia

Thanh vắng đều phục ý

Nhập sâu vào tam muội

Bỏ mỏi mệt, cầu vui

Bỏ món ăn. Cầu lợi

Bỏ vật dục, cầu tâm

Việc làm được như thế

Sự linh ứng, diệu ứng

Cảm ứng hiện tùy hình

Độ sanh cùng cứu tử

Ra vào nơi ba cõi

Thông đạt chơn thiện pháp

Mầu nhiệm chẳng nghĩ bàn

Đều do sức trì tụng

Chuẩn-Đề chơn diệu chú

6. Lúc ta làm Bồ-Tát

Bỏ ác lòng bố thí

Thay y-phục tội tình

Thủ trì giới luật tạng

Xóa sạch các ưu nảo

Nhẩn nhục và thương đau

Nhịn nhường kết thêm bạn

Tinh tấn tâm uyển chuyển

Khéo phục hàng Ác-Ma

Mật định trong vắng lặng

Tam muội khởi thần oai

Huệ màu soi sáng khắp

Cứu độ cả chúng sanh

Thường hành Bồ-Tát đạo

Các việc làm hiếm có

Thế gian chẳng làm được

Như Lai thành tựu pháp

Lâu lắm hiện một lần

Siểng dương món Mật-Giáo

Như thật không hư dối

7. Mười phương ba đời Phật

Hiện đến để chứng minh

Tán thán đại oai đức

Phật Mẫu Đại Chuẩn Đề

Thành tựu Tô-Tất-Địa

Mở bày pháp Chánh Giác

Không ngăn cũng không ngại

Trí độ thành Phật độ

Huệ độ, chúng sanh độ

Diễn nghĩa Lý Bí Mật

Khiến đó vào nơi pháp

Cuống hút rất mạnh mẽ

Tục đế thành chơn đế

Diệt đế thành đạo đế

Pháp đế, Nhứt nghĩa đế

Quí giá vô cùng tận

Giả sử đem bảy báu

Của vua Chuyển Luân Vương

Hay ngôi trời Đế Thích

Mà so sánh nghĩa Pháp

Thời không thể sánh kịp

Giả sử khắp đại địa

Đều là bảy thứ sáu

Đem đến để so sánh

Với đạo Tối Chánh Giác

Thời không thể sánh kịp

Giả sử mười phương cõi

Không có chỗ địa ngục

Chứa đầy những món báu

Cũng không thể sánh kịp

Giả sử mười phương cõi

Không có chỗ địa ngục

Chứa đầy những món báu

Cũng không thể sánh kịp

Sức mạnh vô lượng nghĩa

Của Phật Pháp, Bồ Tát

Phổ độ chư chúng sanh

Thành đạo đẳng chánh giác

Ức kiếp không cùng tận.

Vua Ô-Nẫu-Vương nghe lời Phật dạy lòng ăn năng hóa thành tâm giác ngộ. Vua xúc động, chắp tay đảnh lễ Phật rồi bạch rằng:

- Ngưỡng mong đấng Đại Thánh Thế Tôn! Chiếu cố đến thân tâm tôi trong lúc bị xúc nảo và hành động tội ác thô bạo gây ra đối với mọi người. Xin Phật thương xót cứu vớt linh hồn tôi, để tôi có dịp sám hối tội lỗi và quyết tâm tu hành theo Phật pháp.

Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề biết vua Ô-Nẫu-Vương thâm tâm đã thuần thiện. Phật vì muốn diệt trừ tội lỗi cho vua, nên đức Đạo-Sư đã đứng ra làm chủ lễ cùng bốn bộ chúng tụng thần chú Chuẩn-Đề căn bản Bổn-Tôn Đà Ra Ni trãi qua đến nửa đêm. Bấy giờ vua Diêm-La bổng thấy cung điện mình sáng suốt từ xưa đến nay chưa từng có. Các vua Diêm-La bèn hội hợp để tìm ra ánh sáng này. Khi ấy có Chuyển-Thế Hộ-Pháp Long-Vương của Phật Mẫu Chuẩn Đề hiện đến nói với các vua Diêm-La rằng:

- Kính chào Thập Nhị Diêm-Vương. Tôi nay vâng thánh ý của Phật Mẫu Chuẩn Đề đến đây nhờ các vị xem lại sổ sanh tử của vua Ô-Nẫu-Vương tại thành Lan-Ca-Lan.

Thập Nhị Diêm Vương nghe đến tên của vua Ô-Nẫu-Vương đều phản nộ đáp rằng:

- Vua Ô-Nẫu-Vương xem thường tánh mạng con người, tội ấy đáng chết. Lẽ ra chúng tôi đã bắt hắn từ lâu rồi, nhưng không biết phước lực nào ngăn trở làm cho chúng tôi bị trễ nãi đến ngày hôm nay.

Chuyển-Thế Hộ-Pháp Long-Vương khuyên can các vị Diêm-La-Vương rằng:

- Xin các vua Diêm-La bớt cơn thịnh nộ. Hiện nay vua Ô-Nẫu-Vương đã hối lỗi và đang tu nhơn tích đức sửa lại việc làm bạo ác đã qua.

Thập Nhị Diêm-La-Vương nghe nói đều cười lớn mà đáp rằng:

- Hắn cũng biết tu sao? Ngài có nằm mơ không? Chúng tôi không thể tin được, xin ngài hảy về đi, chúng tôi sẽ đến pháp-hội của Phật để nghe Pháp và bắt ông vua bạo ác ấy.

Chuyển-Thế Hộ-Pháp Long-Vương nghe nói như thế, liền cáo từ các vua Diêm-La trở về rừng Uôn-Ba Kính lễ chư Phật, Bồ-Tát và Thánh-Chúng. Lúc bấy giờ ở giữa đại chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bỗng thấy xuất hiện mười hai vị vua Diêm-La, mỗi vị có mỗi thứ binh khí khác nhau cùng với quyến thuộc đồng đến hạ binh khí cúi đầu đảnh lễ Phật-Mẫu-Chuẩn-Đề rồi lui về một phía mà bạch rằng:

- Ngưỡng bạch đấng Đại Thánh Thế-Tôn! Chúng tôi là vua Diêm-La có bổn phậm xem xét thọ mạng tội lỗi của chúng sanh, chiếu theo hình phạt nặng nhẹ mà dùng những khí cụ hành hạ khác nhau. Ngưỡng mong Thế Tôn vì chúng tôi mà nói nguyên nhân tội báo, phước báo, nghiệp báo và nhơn duyên của hành nghiệp sai khác như thế nào?

Phật-Mẫu-Chuẩn-Đề phóng ra một luồng ánh sáng dài phớt qua đại chúng rồi thu vào con mắt giữa trong khoảng sát na. Bấy giờ Phật vì mười hai vị vua Diêm-La mà dạy rằng:

- Hay thay! Hay thay! Này các vua Diêm-La-Vương. Chúng sanh ở trong sáu đường sanh tử thùy theo hành nghiệp mà thọ báo có tốt có xấu. Thế gian này không ai muốn mà được, tất cả sanh ra đều do hành nghiệp của quá khứ, hiện tại và vị lai mà có. Đời nay làm người là do đời trước bỏ được tánh thú, đời nay làm thú là do đời trước mất tánh con người. Đời nay giàu có là do đời trước ưa vui bố thí, đời nay nghèo khổ là do đời trước keo bẩn bỏn xẻn. Đời nay làm quan là do đời trước đùm bộc che chở kẻ khổ người ngu, đời nay làm nô lệ là do đời trước hành hạ tôi tớ quá đáng v.v… Như vậy muốn biết vị lai quá khứ ra sao Thời mỗi người hãy xem lại hiện tại mình đang làm việc gì? Tốt hay xấu?! Nhân như thế nào quả sẽ như thế ấy.

- Này vua Diêm-La-Vương! Phàm mỗi người hãy giữ tâm vắng lặng. Như Lai sẽ nói về những nguyên nhân tội khổ không phân biệt là kẻ xuất gia, tại gia. Mọi người đều có sự khổ riệng tư chưa trừ diệt, nổi khổ này ví như ngọn lữa dữ đốt cháy cõi lòng chúng sanh, nó ưa xúi bảo mọi người làm ác mà không ai ngờ được. Chúng sanh khi thấy cảnh ác thì tâm ham thích nổi lên. Do lẽ này mà người trong thế gian tạo tội nhiều không thể tính kể được. Sở dĩ chúng sanh không ngăn chặn được tâm ác, đó là do chúng sanh không biết mình có ba thứ độc hại “tham, sân, si” là nguồn gốc của tội khổ. Giả sử như chúng sanh biết được nguồn gốc của sự khổ, nhưng cũng không thể diệt trừ được tham sân si, vì ba thứ này là vua của cõi ác bạo hay làm cho chúng sanh gặp nhiều tai nạn bất ngờ thảm hại.

- Này vua Diêm-La-Vương! Muốn diệt trừ tội khổ rất khó, nhưng nếu chúng sanh có chí quyết tâm thời cũng rất dễ. Tại sao khó? Ấy là do chúng sanh không chịu bỏ hoàn cảnh xấu và thâm tâm xấu. Nếu chúng sanh hạ quyết tâm thì tội khổ được diệt trừ nhanh chóng, cảnh khổ biến mất thay vào cảnh tu, đó là xuất gia ly tục vậy, khiến cho thân và tâm giải thoát nhẹ nhàng , không lo sợ cho sự đời, bỏ nghỉ tưởng tội ác. Từ đó chúng sanh có dịp thấy đạo nghe Phật thuyết pháp mà tiến tu Bát Thánh Đạo Phần.

- Này Thiện Nam Tử! Thiện Nữ Nhơn! Các khổ bức mà người đời không ai hay biết đó là sanh ra rồi bất thần chết. Lỡ chợt chân té xuống núi chết. Bất bình sự việc tự tử chết. Thù oán gặp nhau hại nhau chết. Tranh nhau tiền của vật chất mà chết. Trúng gió giữa đường không ai đến cứu mà chết. Té sông chết. Bị ngộ độc chết v.v… Nói tóm lại đó là do thiếu phước vắng số mà chết, thế mà người đời không ai chú ý để tâm lo tu tạo phước đức cho mình đời nay và đời sau. Đây cũng là thọ mạng của chúng sanh dài ngắn tốt xấu là ở điểm này. Cho nên giữa đại chúng hôm nay Như Lai tuyên thuyết rằng làm ác quyết định phải chiêu lấy ác đạo. Nếu kẻ làm ác chưa hết phước tiếp tục hưởng đến lúc hết phước mà không gặp Thiện-Tri-Thức thời không sao tránh khỏi nhân ác đã gây ra. Kẻ làm thiện thật tâm quyết định phải hưởng lấy thiện báo. Nếu người này đang sống cảnh đói khổ xấu xa, bị nhiều kẻ chà đạp, đó là do ác nghiệp chưa hết. Khi quả báo ác chấm dứt thì phước đức tự nhiên hiện đến không sai.

- Này Thiện Nam Tử! Thiện Nữ Nhơn! Người làm ác mà không hại đến chúng sanh trong chốn nhân gian này rất là hiếm ít, vì người ấy muốn thức tỉnh nhơn tâm khiến cho chúng sanh biết đạo vào đạo tu hành. Người ấy là bự Bồ-Tát Thánh Tăng trong vòng thánh.

Lại nữa, này Thiện Nam Tử! Thiện Nữ Nhơn! Những người mang danh từ làm thiện để mưu cầu sự sống, chiếm đoạt tài sản giết người hại bạn, đầu độc anh chị em. Những người này trong chốn nhân gian rất là đa dạng không thể tính đếm thí dụ hết cho được. Những hạng người này ngoài nói nhân nghĩa thiện cảm tu hành, tâm chứa đầy tội lỗi không lường được mà hàng Thanh Văn, Duyên Giác cần phải tu cần phải học. Bấy giờ Phật vì đại chúng mà trùng tuyên lại nghĩa kệ rằng:

1. Như Lai vô lượng giác

Hằng sa đại trí huệ

Bực giác ngộ đầy đủ

Thị hiện giữa nhân gian

Cảnh tỉnh lòng nhân thế

Hiếm có ít gặp được

Thầy lớn của Trời, Người

Thường khởi đại từ tâm

Nhân nghĩa đại quý kính

Chứa phước đức vô lượng

Ngồi thiền định ngay ngắn

Trãi qua vô số kiếp

Chẳng lay động thối chuyển

Chứng thành đạo Chánh Giác

Mà chuyển pháp xuất thế

Trời, Người cả thế-gian

Đều không ai làm được

Luật nhân quả báo ứng

Chậm nhanh không thể lường

2. Hỡi này Diêm La Vương!

Tội báo và nghiệp chướng

Chẳng ai biết trước được

Chúng sanh nhiều si mê

Tham chấp các hữu lậu

Nghèo hèn mang ác khổ

Bỏ quên các phước báu

Bỏn xẻn lòng tham lam

Chẳng thấy rõ chơn lý

Lợi danh làm mờ mắt

Vật chất làm tối tăm

Biết việc làm phi nghĩa

Mà chẳng dừng lại được

Chỉ thấy vui phía trước

Chẳng nhìn khổ phía sau

Tham vọng là tuyệt vọng

3. Bồ-Tát chánh tư duy

Sẽ thấy rõ chơn lý

Mà dẫn dắt chúng sanh

Khỏi đường dữ sanh tử

Bực ly dục tịnh môn

Rèn luyện đại chơn ngôn

Các thể tướng rộng lớn

Nhiếp chúng sanh khó độ

4. Nếu có Đại Bồ-Tát

Giữ lòng thanh tịnh Pháp

Chí trì niệm Bổn-Tôn

Chuẩn-Đề chơn diệu chú

Nơi vườn rừng cây cỏ

Chổ vắng vẻ im lặng

Hoặc ở nơi tịnh thất

Mà trang nghiêm giới tướng

Hương hoa cùng đèn nến

Xông trầm hoặc chiên đàn

Tắm rửa mặc pháp phục

Mà tụng chú Chuẩn-Đề

Bảy mươi ức đức Phật

Chứng minh lời thệ nguyện

Hiện đến mà tán thán

5. Nếu có đại Bồ-Tát

Cùng với cả đại chúng

Lênh đênh trên biển cả

Bị sóng gió quái lạ

Cuồng phong nhiều nước xoáy

Cuốn đi mất phương hướng

Trên thuyền đều kinh sợ

Nhờ bậc Hải Đạo Sư

Dổ an cả chúng nhơn

Trì tụng chú Chuẩn-Đề

Sóng gió đều lui tán

Cũng không ai am hiểu

Sự lâ thường Bí-Mật

Đều hoan hỷ vui vẽ

6. Nếu có Đại Bồ-Tát

Từ trên núi dốc đá

Trớn trở rất nguy hiểm

Bị oán tặc gia hại

Xô xuống vực thẳm sâu

Cũng chớ nên kinh sợ

Mà niệm chú Chuẩn-Đề

Đại thần mật vi diệu

Đón đỡ nơi thân đó

Như nằm chổ êm ái

Chẳng biết đó là thực

7. Nếu có Đại Bồ-Tát

Bị sanh nơi kiếp thiêu

Lửa cháy từ đâu đến

Núi rừng đá cheo leo

Vườn cây cùng nhà ở

Đường phố chợ tiêu điều

Do sức lửa cháy mạnh

Thiêu sạch như chiến tranh

Cũng chớ nên kinh sợ

Mà tụng chú Chuẩn-Đề

Bổn-Tôn Bí Mật Pháp

Xưa nay chẳng biết đến

Khiến lửa dữ dập tắt

Trong khoảnh khắc na khoành

Ai ngờ được việc này

Sức mạnh đại thần lực

Khó nói khó nghỉ bàn

Quang cảnh liền cụ túc

8. Nếu có Đại Bồ-Tát

Muốn đầy đủ thiện pháp

Cúng dường nơi chúng tăng

Y phục hoặc ngọa cụ

Bồn tắm cùng ao nước

Mùng chiếu các vật chất

Hoặc tạo dựng tăng phường

Xoay dần trong tịnh xá

Phải đủ lời thệ nguyện

Mà tụng chú Chuẩn-Đề

Đạo tràng được tô điểm

Tướng Pháp rất kỳ bí

Mỹ môn cùng Á môn

Tự môn, Nhứt Nghĩa môn

Thủ môn, Quy Thú môn

Tiên môn, Đại Thành môn

Triệt môn, Bí Mật môn

Tiển môn, La Hán môn

Định môn, Tổng Trì môn

Diệu môn, Đại Bi môn

Hành môn, Giải Thoát môn

Đạo môn, Diễn Nghĩa môn

Pháp môn, Vô Tướng môn

Các tướng môn như thế

Đầy đủ món phương tiện

Thành tự hữu vi pháp

Mà chẳng bày vô vi

Tuy là món pháp tướng

Mà chẳng thể khinh được

9. Kinh điển Phật Pháp Tạng

Hoặc in chép cúng dường

Hàng hậu học lễ bái

Kẻ phát tâm quy-y

Người lỏ phạm cấm giới

Cũng không thể khinh được

Dù hành động ngông cuồng

Phá hoại lục hòa Tăng

Hay bôi nhọa Phật-Pháp

Chê báng người học Phật

Khinh mạn Đại Pháp Sư

Bỏ đói hàng tứ chúng

Gạt gẫm kẻ Bạch-Y

Cũng chẳng thể khinh được

Kính Phật nên phải nhịn

Mà tụng chú Chuẩn-Đề

Chuyển xoay chơn thiện pháp

Tu tập các Thánh-Đạo

Phổ độ chư chúng sanh

Không kỵ và bị kỵ

Chịu đựng sự gian khổ

Ôm ấp lủa hàm oan

Chẳng sanh lòng than oán

Cũng chưa gọi là đủ

10. Thanh danh bị thương tổn

Hằn học người khinh bỉ

Chúng Tăng thấy bỏ đi

Vật chất không cung cấp

Bệnh khổ không có thuốc

Uống ăn thiếu dinh dưỡng

Bị bạc đãi mọi thứ

Cũng chưa gọi là đủ

Các công hạnh khó làm

Ác đến xem như bạn

Ác đi xem như khách

Thiện đến như không nhàn

Thiện đi như không tịch

Chẳng bị chướng ngại khổ

Mà tụng chú Chuẩn-Đề

Sức chiêu cảm linh nghiệm

Nghịch cảnh nay thuận chiều

Chê bai, giờ tán thán

Khinh miệt, giờ tôn trọng

Bạc đãi, nay hậu thuẫn

Hằn học, giờ ái ngữ

Mất danh, được lưu danh

Nhờ tụng chú Chuẩn-Đề

Xoay ngược chiều ác Ma

Làm Trời, Ngưởi kinh lạ

Rãi hoa để cúng dường

Tiếng ca ngâm, đờn, sáo

Tiếng không địch, không hầu

Tiếng linh báu hòa reo

Đỉnh chung và chập chả

Trang nghiêm cảnh đẹp lạ

Tán thán người trì chú

11. Đức Phật đại phương tiện

Oai thần vũ bủa khắp

Độc-Quỉ đến phục tùng

Bùa chú cùng thư yếm

Phá hoại trong khoảnh khắc

Trù rủa hoặc đầu độc

Bóng dáng của Phi-Nhơn

Ứng đối chuyện chưa thấy

Cũng chớ nên kinh sợ

Mà tụng chú Chuẩn-Đề

Rung rinh nhà Ma quái

Bùa chú đều hư hoại

Cũng không ai hiểu được

Sức ngoại ứng Thần-Bí

Toái trừ rất mau chóng

Hữu vi chẳng hữu vi

Vô vi mà vô vi

Tướng pháp mà vô tướng

Chẳng tướng, tướng bày ra

Cho nên chớ khinh miệt

Mà chẳng hiểu chơn lý

Phàm phu hoặc Thánh Tăng

Bình đẳng không chi lạ

Giác rồi hoặc chưa giác

Thành tựu Trí Vô Tư

Tu hành không do dự

Nhờ tụng chú Chuẩn-Đề

12. Phật từ vô sở cấp

Các chướng ngại chẳng dính

Biết rõ loạn định pháp

Như vì sao trên trời

Chi chít không đến được

Bồ-Tát chẳng mệt mỏi

Tập tành các thiện pháp

Gom lại thành vô lượng

Hằng hà sa cõi phước

Vô hạn đến vô vi

Mầu mầu không phương hướng

Thị hiện các món pháp

Khó nói khó nghĩ bàn

Sống loạn để vào định

Không thể nói rõ nét

Chẳng thể thấy bóng hình

Mà gọi đó Tà Pháp

Chơn pháp cùng Giả Pháp

Các hư ảo huyền thoại

Không thể luận cùng tột

Mà chê bỏ quá đáng

Tội đó nơi cùng kiếp

Lưỡi mất răng thiếu xức

Vì chẳng biết chơn thực

Lý giải khó ngừa đón

Siêu huệ, Nhứt Thiết Huệ

Quảng Huệ, Đại Luân Huệ

Từ Huệ, Thiên Nhãn Huệ

Dõng Huệ, Trí Cự Huệ

Dược Huệ, Hư không Huệ

Tán Huệ, Bình Đẳng Huệ

Định Huệ, Pháp Tiển Huệ

Tất cả các Trí Huệ

Bồ-Tát hành như thế

Tuy hành mà chẳng hảnh

Đảo ngược các nón pháp

Chẳng sanh chổ chướng ngại

Chánh pháp là phi pháp

Ai hiểu được việc này

Phi pháp ngộ chánh pháp

Tùy thời mà cộng hưởng

Phá hoại các lý tính

Chấp nê và mê chấp

Cũng không ai ngờ được

Sức mạnh Đại Biệt Pháp

Ngoài khả năng tính toán

Việc làm Đại Bồ-Tát

Sâu xa rất mầu nhiệm

Chẳng phải hai là một

Chẳng phải một là hai

Tính toán lý chơn thiệt

Lía ngã chấp điên đảo

Mà chẳng hiểu thấu đáo

Chơn lý vốn không cùng

Dù biết được như thế

Cũng chưa gọi là đủ

13. Tu tập chú Chuẩn-Đề

Xoay dần trong muôn kiếp

Giử lấy lời đại nguyện

Tinh thần thêm trong sáng

14. Hỡi này Diêm La Vương!

Vì đạo khởi tình thương

Nâng đỡ trong biển khổ

Cứu vớt chúng hàm linh

Yếu ớt nhiếu cạn cợt

Khiến oan báo kéo dài

Thuở xưa ta làm vua

Cũng ở chỗ các ngươi

Hiệu Đại Diêm La Vương

Phóng thích chúng đảo điên

Bọn tội phạm nghịch ác

Ta vì họ tha thứ

Mà diễn nói diệu pháp

Hoặc ở tại A-Tỳ

Ta đi đến mở ngục

Tiếng hình cụ, la hét

Tiếng than oán ghê rợn

Ta đều đến phóng thích

Kẻ bạc ác phản bội

Dâm loạn ưa ngoại tình

Giết cha và hại mẹ

Cướp đoạt các tài sản

Bài bạc mê chè chén

Đồ tể bọn chém giết

Ta vì họ nói pháp

Phóng thích khỏi giam cầm

Vui đẹp lòng hoan hỷ

Chỗ buột cổ Ngạ Quĩ

Làm cho chúng ăn uống

Khó nuốt mà lâu no

Bọn súc sanh la hét

Sắp đầu thai hóa kiếp

Ta vì họ nói pháp

Phóng thích không ngăn ngại

Cửa ngục đều rỗng không

15. Các vua Diêm La Vương

Đều sửng sốt lo sợ

Khuyên can ngăn cản ta

Lòng bi độ muôn chúng

Mà giải thoát sanh tử

Thuyết pháp khiến đó nghe

Giải trừ các tội lỗi

Bồ-Tát mắc tội lớn

Quả báo nặng nghìn cân

Cũng vui lòng gánh vác

Sức kiên cố như thế

Do giữ lời đại thệ

Trãi qua nghìn muôn kiếp

Chỗ tu hành chơn thiệt

Làm lợi ích Trời, Người

Cùng sáu đường chúng sanh

Trong Mật Định Tổng Trì

Dự ghi và thọ ký

Thành Phật Mẫu Chuẩn Đề.

Đức Phật nói bài kệ vừa xong rồi nín lặng vào môn Tam-Muội Chuẩn Đề Bổn Tôn Đà Ra Ni. Lúc bấy giờ ngài Kim Cang Mật-Tích Bồ-Tát cùng đại chúng đứng dậy. Sáu nghìn Bồ-Tát trịch áo bày vai hữu đi nhiểu chung quanh Phật, lễ bái tán thán công đức rồi bạch rằng:

- Ngưỡng mong đức Thánh Huệ Thế Tôn vui lòng cho các hàng Bồ-Tát chúng con thủ hộ kinh này. Phật đã tự nghiêm thân mình và trang nghiêm cho tất cả chúng sanh. Việc làm hy sinh rất là hiếm có khó được. Nay Bồ-Tát chúng con đã từng làm việc khó làm, đứng đầu trong đại chúng thưa hỏi việc đạo đức. Chúng con sánh với Phật ví như cây kim ngọn cỏ so với cây đại thọ vững chắc. Vậy chúng con khi nghe lời này, nguyện y theo lời Phật dạy đem tất cả phương tiện lành lưu bố kinh này khiến cho chúng sanh đời sau nghe thấy mà tu hành đúng như pháp.

Vua Ô-Nẫu-Vương quá ăn năng tội lỗi quỳ xuống bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Nay tôi đã biết lỗi lầm, kính xin đức từ bi mở rộng tầm tay tế độ cho tôi và hàng quyến thuộc của tôi không vòn làm ác nữa, để được nghe âm thanh thuyết pháp của Phật mà tu hành chơn chánh.

Ông Uất-Đơn-Đầu đại diện cho Phật tán thán công hạnh của vua Ô-Nẫu-Vương rồi xuống tóc đắp y Ca Sa cho vua đổi pháp hiệu là Thánh Đại Huệ. Mười vạn binh sĩ thấy vua tu hành, liền hạ khí giới theo vua xuất gia ly tục. Thập nhị Diêm-La-Vương chứng kiến việc làm của Phật, tất cả đều cảm phục hài lòng tin nhận lời Phật cáo từ lui gót. Năm ngàn Thánh Chúng cúng dường pháp y, ngọa cụ, bát để cung cấp cho chư Tăng. Sáu muôn Bồ-Tát đặng môn tam muội Viễn Ly Tập Khí Đà Ra Ni. Vô lượng chúng Thanh Văn, Duyên Giác được tâm bất thối chuyển. Đại hội tán thán công đức Phật Mẫu Chuẩn Đề, tất cả đều tín thọ phụng hành.

Nam mô Chuẩn Đề Hội Thương Phật Bồ Tát (3 lần)

KINH CHUẨN ĐỀ BỔN TÔN

QUYỂN  III

 

Giáo Hội Phật đã sẳn bày. SimSumParời chúng tạo tội tình. Vua Ô-Nẫu ngày đêm gây ác đạo. Giết La Hán vua tôi gặp chướng nạn, lòng từ bi Tôn Giả cứu nhơn sanh. Phật Chuẩn Đề tiên yếu dạy pháp lành. Vua hối cải xuất gia theo chư Phật. Pháp tứ cú diễn rộng nghĩa. Hàng tam thừa đặng chỗ vô sanh.

Nammô Thường Trú Thập Phương Phật

Nammô Thường Trú Thập Phương Pháp

Nammô Thường Trú Thập Phương Tăng

Nammô Chuẩn Đề Vương Phật. (3 lần)

(Hết phẩm thứ sáu)

————–

(Xin xem tiếp)

KINH CHUẨN ĐỀ BỔN TÔN

Quyển IV

Mật sư: THÍCH GIÁC TIẾN - Thiền Nhân


KINH CHUẨN ĐỀ BỔN TÔN

PHẨM TẾ ĐỘ XÀ VƯƠNG U-ĐÔ-RA THỨ BẢY

Share your view

Post a comment

© 2025 Đại bi. Powered by Wordpress.

Wordpress themes by WooThemes - Premium Wordpress Themes